Trong những năm gần đây, ngành Đông dược dần dần tìm lại được chỗ đứng trong đời sống y học cũng như trên thương trường nước ta. Không chỉ những người “thủ cựu” hay giới bình dân đặt niềm tin vào phương pháp chữa trị và phòng ngừa bệnh bằng thuốc Đông dược, nhiều người theo Tây học cũng đã thừa nhận công dụng tích cực và lâu bền của các bài thuốc cổ truyền.
Đặc biệt là sự lành tính, ít tác dụng phụ so với tân dược. Đã có một thời kỳ dài, Tây y gần như thống trị ngành y tế nước ta, khiến nhiều bài thuốc quý bị thất truyền, nhiều danh y đã mang theo bao kinh nghiệm quý báu của ông cha sang thế giới bên kia, vì không có người để truyền lại.
Một nhược điểm lâu đời của thuốc Đông y là nó phải luôn đi kèm với một ông thầy thuốc, một tiệm thuốc. Các bài thuốc, dù để chữa trị những bệnh thông thường, vẫn nằm ở dạng nguyên liệu thô, phải cộng hợp, chế biến phức tạp. Đặc biệt là thuốc rất khó bảo quản lâu dài trong gia đình người tiêu dùng. Để khắc phục nhược điểm này, ngày nay các hãng Đông dược đã nghiên cứu sản xuất các dạng thuốc thể lỏng, thể cao, thể viên có liều lượng chỉ định sử dụng và dễ bảo quản. Nhiều cơ sở còn áp dụng cả quy trình kỹ thuật và thiết bị của ngành sản xuất tân dược vào Đông dược. Đây được xem là một hướng đi mới và quan trọng để Đông dược ngày nay có một vị trí đáng kể trong cuộc sống.
Thế mà cách đây 85 năm, đã có một người đi tiên phong trong công việc này. Những người từng sống ở miền Nam trước kia chắc chưa quên lời rao quen thuộc này : “Một viên Cửu Long hoàn bằng mười thang thuốc bổ”. Thật vậy, có thể nói, Cửu Long hoàn là vua thuốc bổ đã ngự trị suốt năm mươi năm ở miền Nam. Cùng thời có nhiều nhà thuốc Đông dược cũng chế ra ít nhiều thuốc bổ như Võ Văn Vân, Ông Tiên, Nhành Mai, Ri Sơn, Nhị Thiên Đường, Đại Quang . . .nhưng không có hiệu nào được người tiêu dùng biết nhiều, sử dụng nhiều như Cửu Long hoàn.
Người sáng chế ra thuốc bổ Cửu Long hoàn là ông Võ Đình Dần cùng với nhà thuốc Đông dược mang tên ông, được thành lập năm 1921, tại số 323 đường Marins, khu Chợ Lớn, nay là đường Trần Hưng Đạo. Cùng với cơ sở này, nhà thuốc Võ Đình Dần còn có mạng lưới đại lý khắp các địa phương ở miền Nam và cả Campuchia, Lào. Và cũng chính mặt hàng thuốc bổ này đã đưa ông Võ Đình Dần trở thành một doanh gia tiếng tăm ở miền Nam.
Ông Võ Đình Dần sinh năm 1901 trong một gia đình khá giả, bản thân ông là người có học thức căn bản. Năm 18 tuổi, ông bước vào đời với công việc ổn định, còn có thể được xem là có danh giá vào thời đó, với chức việc là thầy thông Nhà Dây thép (tức bưu điện) tỉnh Gò Công. Nếu an phận “sáng vác ô đi, chiều vác ô về”, cứ thế lần lượt thăng tiến, thì có khả năng một ngày nào đó ông cũng sẽ trở thành chủ sự của bưu điện một tỉnh.
Đó là một tương lai hứa hẹn nhiều yên ổn. Nhưng ông lại sinh ra trong một gia đình có truyền thống Đông dược. Ông nội ông là một thầy thuốc Bắc danh tiếng, có nhiều môn thuốc gia truyền quý giá. Bản thân ông yêu mến nghề này, vì ngoài việc nó có thể mang lại một cuộc sống ổn định, còn là việc tế nhân độ thế. Vì vậy, sau hơn hai năm làm thầy thông Nhà Dây thép, ông xin thôi việc, lên Chợ Lớn mở nhà thuốc như đã nói.
Ngay từ ban đầu, ngoài các loại thuốc cảm mạo phong hàn thông thường, ông đã đặt trọng tâm vào môn thuốc bổ, gồm nhiều dược thảo, kết tinh từ kinh nghiệm lâu đời của nghề thuốc gia truyền và học hỏi thêm nhiều của ngành Đông dược nhiều nơi. Lúc đầu, thân chủ cần tới đâu thì ông làm tới đó. Trở ngại là thuốc để lâu hay bị hư mốc. Ban đầu ông có sáng kiến sấy thuốc thật khô và bọc kín bằng sáp ong. Thế nhưng muốn bán được nhiều, cần phải sản xuất theo dây chuyền công nghiệp. Và khi đã sản xuất theo dạng này, cần phát triển bán ra khắp cả nước. Thế là ông đẩy mạnh quảng cáo trên báo, đài, trên tấm bảng lớn đặt ở nơi công cộng và cả trong các rạp chiếu bóng. Ông phát triển bán hàng theo lối gởi thư, lãnh hóa giao ngân (contre-remboursement), rất tiện cho hai bên mua và bán. Những người không biết chữ cứ việc tìm đến nhà thuốc, các đại lý có con cọp nhồi bông đứng trước tiệm.
Ngoài lãnh vực kinh doanh, ông còn là một nhà nghiên cứu Phật học có uy tín, từng là Phó hội trưởng Hội Phật học Nam Việt. Ông là một trong những người sáng lập Chùa Xá Lợi, một ngôi chùa danh tiếng của Sài Gòn. Ông cũng là người tích cực trong các hoạt động xã hội. Ông vừa là người sáng lập vừa là chủ tịch của Nghiệp đoàn Y dược Đông phương. Mục tiêu của nghiệp đoàn là nghiên cứu đúc kết, đào tạo lớp trẻ kế thừa, bênh vực quyền lợi và tương trợ trong giới nghề nghiệp. Ông cũng từng làm cố vấn cho Tổng Liên đoàn Kỹ Nông Công Thương.
Ông Võ Đình Dần mất ngày 3/12/1973. Điều đáng tiếc là những người thừa kế không có ai nối nghiệp ông, và vì thế món thuốc bổ gia truyền Cửu Long hoàn từng danh tiếng trong năm mươi năm trời, nay đã mai một.