Tỷ phú ngân hàng Nguyễn Tấn Đời

0
141
Nguyễn Tấn Đời là một tỷ phú Sài Gòn
Nguyễn Tấn Đời là một tỷ phú Sài Gòn

Viết về những nhà tỷ phú Sài Gòn ngày trước, không thể không nói tới nhân vật có thời được coi giàu nhất nhì Việt Nam, đó là tỷ phú ngân hàng Nguyễn Tấn Đời.

Nhân vật này từng được người đương thời thêu dệt nhiều huyền thoại, hầu hết đều không mấy hay ho.

Tuy nhiên, cũng không thể nào nói khác hơn rằng, đây là một doanh nhân người Việt thành đạt vượt bậc. Cũng cần phải thừa nhận nhà tỷ phú này là một doanh nhân có ý chí mạnh mẽ, luôn bày bố cơ mưu cho những công việc kinh doanh lớn mà không mấy người dám nghĩ tới.

Thời trẻ, Nguyễn Tấn Đời làm nghề buôn trâu ở vùng biên giới Châu Đốc. Ông mua trâu bò của các lái buôn từ Cao Miên mang về tiêu thụ ở Châu Đốc, Long Xuyên, Rạch Giá và những vùng lân cận. Tuy vốn liếng không nhiều, nhưng ông có tiếng là người luôn giữ chữ tín nên rất được giới buôn bán trâu bò người Campuchia tín nhiệm.

Họ giao cho ông mỗi chuyến vài chục, có khi đến cả trăm con, số vốn đôi khi lên đến vài trăm cây vàng mà không đòi phải đặt cọc hay một điều kiện nào cả. Ông chỉ việc lùa trâu bò về Việt Nam, phân phối đi các nơi, giao bán cho người mua, sau đó gom tiền trả lại cho các chủ lái người Campuchia, nhận hoa hồng hay giữ trọn phần chênh lệch giá cho mình. Công việc làm ăn cứ thế tiến triển, không lâu ông đã tích luỹ được một số vốn đáng kể. Là người có đầu óc kinh doanh lớn, lại có chí tiến thủ, sau khi có được một số vốn khá, Nguyễn Tấn Đời quyết định rời bỏ vùng biên giới quê hương cùng nghề buôn trâu “cò con”, ông dấn bước lên đất Sài Gòn tìm cơ may và thời vận.

Là người nhạy bén trước thời cuộc, lại có nhiều sáng kiến làm ăn, nhìn thấy trước được những nhu cầu cần thiết trong đời sống sẽ xuất hiện, sau 1954, mặc dù đất nước tạm thời chia cắt, nhưng dù sao chiến tranh cũng tạm thời chấm dứt, dân chúng đang ổn định dần cuộc sống, mơ mộng đến một thời thanh bình, lại thêm hàng triệu người từ miền Bắc di cư vào Nam, nhu cầu nhà ở đang trở thành một vấn đề cấp thiết.

Không bỏ lỡ cơ hội, Nguyễn Tấn Đời dồn toàn bộ số vốn có được vào xây dựng hãng gạch ngói Đời Tân. Từ những mẻ gạch ngói ra lò đầu tiên, không lâu sau Đời Tân mau chóng chiếm được tín nhiệm của giới phân phối và người tiêu dùng.

Thời đó, ngành sản xuất gạch ngói chủ yếu sản xuất theo phương thức thủ công, Đời Tân mạnh dạn đầu tư thiết bị, chia sản xuất ra nhiều công đoạn chuyên biệt, chia phân xưởng riêng chuyên sản xuất từng loại sản phẩm. Mục tiêu mà ông chủ Nguyễn Tấn Đời nhằm tới lúc ấy là chất lượng cao, giá thành rẻ, sản phẩm nhiều để có thể bán ồ ạt ra thị trường. Đặc biệt hệ thống phân phối, buôn bán của Đời Tân được tổ chức cực kỳ tiện lợi, chu đáo để phục vụ mọi mặt cho khách hàng.

Ở đây khách hàng được săn đón, được thông tin và thoả mãn đầy đủ những gì mình muốn biết, muốn có. Chính từ đó cơ ngơi và sản phẩm của Đời Tân phát triển nhanh không ngừng, hàng sản xuất đến đâu bán hết đến đó. Vào những năm đầu thập niên 50 thế kỷ 20, gạch ngói Đời Tân không chỉ chiếm lĩnh thị trường Sài Gòn, Gia Định mà còn lan toả khắp các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ.
Khi Đời Tân đã có chỗ đứng vững vàng trên thương trường, ông chũ Nguyễn Tấn Đời nghĩ ngay đến một công cuộc làm ăn mới. Và chính công cuộc kinh doanh này đã để lại trong tên tuổi của ông nhiều dấu vết chẳng hay ho gì : ông đã bỏ ra một số vốn khá lớn để mua lại khu phố ở góc đường Trương Định – Nguyễn An Ninh, nằm bên hông cửa Tây chợ Bến Thành, để biến nó thành khách sạn và nhà hàng Mai Loan.

Dãy phố cũ xây dựng thời Tây bị đập bỏ hoàn toàn để nhà hàng khách sạn Mai Loan sáu tầng mọc lên. Tất cả phòng ốc được trang bị tiện nghi sang trọng và hiện đại nhất thời bấy giờ như máy lạnh, quạt máy, máy nước nóng để tắm…
Nhưng cái địa chỉ này không phải nổi tiếng vì việc ăn ngon hay ở sang. Nó thu hút dân có máu mặt khắp thành phố và các tỉnh về đây bởi những “dịch vụ” khác.

Bất cứ lúc nào người ta cũng thấy thấp thoáng các bóng hồng ở các tầng khách sạn, mà toàn kiều nữ mười tám, đôi mươi. Những người đẹp này lúc nào cũng ăn mặc sang trọng từ những tà áo dài tha thướt cho tơi những chiếc mini jupe làm sững sờ những đấng mày râu. Nếu khách là người có máu đỏ đen thì ở đây không thiếu một thứ gì từ tài xỉu, bài cào, me, xập xám, xì phé… mỗi thứ được tổ chức riêng từng phòng kín đáo.

Nghe nói ở đây còn có những căn phòng đặc biệt với cửa thoát hiểm bí mật dành cho những cuộc phiêu lưu tình ái. Công cuộc làm ăn này đã làm cho ông chủ Nguyễn Tấn Đời hốt bạc mau lẹ, trở thành một tỷ phú sừng sỏ của đất Sài Gòn.

Vào thời điểm này, quân Mỹ đang ồ ạt đổ vào miền Nam. Ông chủ Đời Tân nghĩ ra một thương vụ làm ăn có một không hai khiến các đối thủ cạnh tranh với ông đều phải chào thua và bái phục.

Ở đây nó bộc lộ rõ tính cách của nhà kinh doanh Nguyễn Tấn Đời là không thích làm ăn cò con, đã làm thì phải làm những việc chưa từng có ai làm.

Ông mua nguyên một dãy phố cũ kỹ hư nát trên đường Trần Hưng Đạo rồi cho san bằng toàn bộ. Chẳng bao lâu sau trên mặt bằng ấy từ từ mọc lên một toà nhà nguy nga tráng lệ, to lớn, có thể nói vào loại lớn nhất Sài Gòn thời bấy giờ, cao đến 17 tầng.

Toà nhà đồ sộ này được đặt tên là buiding Président. Cho đến ngày hôm nay, toà nhà này vẫn còn tồn tại, nó nằm cách ngã tư Trần Hưng Đạo – Nguyễn Biểu không xa.

Không như dự đoán của mọi người, xây xong building Président, Nguyễn Tấn Đời không cho thuê lẻ tẻ từng phòng hay làm khách sạn.

Ông chủ Đời Tân hợp đồng hẳn với Bộ tư lệnh quân đội Mỹ đóng ở miền Nam (MACV) cho thuê toàn bộ cao ốc này trong thời gian dài để làm nơi trú ngụ cho những sĩ quan cao cấp của đội quân viễn chinh. Với số tiền cho thuê dài hạn này, Nguyễn Tấn Đời đã lấy lại ngay toàn bộ số tiền đã bỏ vào đầu tư xây dựng, còn dư ra thêm một khoản lãi.

Đó là chưa kể đến các nguồn lợi khác như máy lạnh, quạt máy, hệ thống điện, máy phát điện, bơm nước và nội thất mà quân đội Mỹ bỏ ra trang bị cho nơi này để đạt tiêu chuẩn ăn ở của sĩ quan cao cấp Mỹ. Bởi trong hợp đồng cho thuê có điều khoản ghi rằng tất cả các trang thiết bị sẽ thuộc về ông khi chấm dứt hợp đồng.

Với số tiền lãi to lớn từ cú kinh doanh này, Nguyễn Tấn Đời lại nhảy vào lĩnh vực kinh doanh ngân hàng, lập ra Tín Nghĩa Ngân hàng với hình ảnh ông thần tài vui tính hai tay giơ cao hai xâu tiền vàng mà có lẽ không một người nào sống trong các thành thị miền Nam trước giải phóng không biết đến.
Cái sự không biết thỏa mảng là gì, cuối cùng đã làm hại Nguyễn Tấn Đời. Đó là khi ông thực hiện cú kinh doanh trong chính trường, với danh vị hạ nghị sĩ Quốc Hội, nhiệm kỳ 1971 – 1975, đơn vị tỉnh Kiên Giang, thực chất cũng là mua được bằng tiền.

Trước tham vọng của con người có thể mua được cả trời đất này, khiến chính quyền đương thời không thể để yên. Giữa năm 1974, Tổng trưởng Tài chính của chế độ Sài Gòn lúc bấy giờ là Hà Xuân Trừng đã ký lệnh niêm phong toàn bộ các trụ sở của Tín Nghĩa ngân hàng trên khắp miền Nam Việt Nam vì nghi vấn về sự bất minh của nguồn tài chính này. “Bói ra ma, quét nhà ra rác”, ông chủ Tín Nghĩa ngân hàng phải ôm gói vào nhà đá Chí Hòa.

Trong niềm vui trước ngày 30/4/1975 của hàng triệu người Việt Nam, có niềm vui riêng của tỷ phú Nguyễn Tấn Đời khi ông được chính quền cách mạng thả ra khỏi vòng lao lý, để rồi sau đó lặng lẻ ra nước ngoài định cư.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.