Trương Văn Khôi: Linh hồn tạo nên xà bông bột Viso

0
189
Trương Văn Khôi và xà bông bột Viso
Trương Văn Khôi và xà bông bột Viso

Trong giai đoạn cuối những năm 50, đầu thập niên 60 thế kỷ trước, xà bông bột vẫn còn xa lạ đối với tiêu dùng ở miền Nam. Thời kỳ này, xà bông giặt dạng bánh của hãng xà bông Việt Nam đang thống lĩnh thị trường nội địa. Xà bông bột trong khoảng thời gian này chỉ xuất hiện dưới dạng thuốc tẩy bột. Trương Văn  khôi, người tạo dựng nên xà bông bột Viso.

Những tay buôn bán dạo loại sản phẩm này ở các chợ vẫn rao bán là thuốc tẩy có công dụng làm trắng, sạch quần áo. Thế mà vài chỉ vài năm sau, xà bông bột của hãng Viso có hình hiệu con ngỗng màu xanh in trên bao bì, chẳng những đã chiếm lĩnh thị trường xã bông giặt nội địa, mà còn được ưa chuộng và chiếm được thị phần khá lớn ở một số quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan, Sigapore, Malaysia, Hongkong…

Vào những năm đầu thập niên 60, quân đội Mỹ bắt đầu đổ vào Việt Nam với qui mô lớn, lên đến hơn một trăm ngàn quân. Để phục vụ cho đạo quân này, các PX của lính Mỹ được mở rộng xuống đến các toán cố vấn tỉnh, các tiểu đoàn bộ binh…

Từ các PX này, hàng hóa phục vụ quân đội Mỹ đã ồ ạt tuôn ra thị trường bản xứ. Ngoài các mặt hàng mới lạ điện máy cao cấp như tủ lạnh, máy thâu băng, radio, đồng hồ; các hàng công nghệ phẩm như kem đánh răng Colgate, xà bông thơm hiệu Dial, Camay… thì xà bông giặt Tide được dân chúng miền Nam đặc biệt ưa thích vì sự tiện lợi  và chất lượng của chúng hơn hẳn các loại xà bông cục nội địa, trong khi giá thành cũng không mắc vì là hàng miễn thuế của quân đội Mỹ chui ra thị trường.

Nhận thấy sự tiện lợi của xà bông bột cũng như nhu cầu rộng lớn của thị trường, một số nhà sản xuất xà bông và ngành hóa công nghiệp liền bắt tay sản xuất thử loại sản phẩm này.

Các tay làm hàng giả cũng nhảy vào cuộc bằng cách pha trộn loại xà bông bột do Việt Nam làm thử với xà bông bột hiệu Tide, sau đó họ đựng vào bịch ny-lon một ký, nửa ký đem bày bán ở chợ trời trước căn cứ Mỹ.

Trong số những nhà sản xuất nhảy vào lĩnh vực mới mẻ này có Trương Văn Khôi, lúc đó mới ngoài ba mươi. Khôi là chủ của một xưởng nhỏ sản xuất xà bông tắm.

Sau đó không lâu, nhiều loại bột giặt sản xuất tại Việt Nam ra đời. Tuy giá thành hạ chỉ bằng nửa so với sản phẩm ngoại nhập, nhưng chất lượng vẫn còn kém xa, không có được mùi thơm như hàng ngoại, đặt biệt là thời gian hòa tan trong nước chậm hơn nhiều lần so với loại bột giặt Tide.

Xuất thân từ một người thợ đi lên, dù có nhiều tâm huyết và sáng kiến, nhưng Trương Văn Khôi biết rằng, trong lĩnh vực này, để có được sản phẩm có sức cạnh tranh với hàng ngoại, cần phải nắm được những bí quyết kỹ thuật.

Trương Văn Khôi cho lập tại xưởng của mình một nhóm kỹ thuật gồm những kỹ sư  trong ngành hóa công nghiệp, thu thập, nghiên cứu sách và tài liệu nước ngoài.

Sản phẩm của Viso được cải tiến, chất lượng dần khá lên, vượt trội những cơ sở khác, sản phẩm được thị trường chấp nhận, làm ra không đủ bán.

Tuy thế Khôi cũng biết, sở dĩ sản phẩm Viso bán được chủ yếu vẫn do giá thành rẻ, chất lượng so với hàng ngoại vẫn còn khoảng cách khá xa.

Trong một chuyến sang Đài Loan tham quan, tìm hiểu ngành mỹ phẩm và hóa công nghiệp, tại đây Khôi đã gặp và quen với một tay kỹ sư hóa học người Đức. Anh này sang Đài Loan để làm cố vấn kỹ thuật cho một hãng lớn sản xuất các loại mỹ phẩm.

Qua tìm hiểu và trao đổi trực tiếp, Khôi biết được đây là một chuyên gia cự phách trong ngành chế biến bột giặt. Viên kỹ sư này cũng đang trong thời kỳ sắp mãn hợp đồng ở Đài Loan.

Khôi cố thuyết phục viên kỹ sư  Đức sang Việt Nam làm chuyên viên cho mình. Và anh đã có một quyết định táo bạo: Chấp nhận điều kiện hợp đồng với kỹ sư này ngang bằng với lương bổng và mọi quyền lợi cũng như điều kiện làm việc của anh ta khi làm việc tại Đài Loan, dù khả năng tài chính của Khôi là hết sức hạn hẹp.

Khôi đã tiên liệu và nhìn thấy trước viễn cảnh tốt đẹp. Mục tiêu mà Trương Văn Khôi nhắm trới không chỉ là thị trường trong nước với gần hai chục triệu dân mà còn cả thị trường rộng lớn của toàn khu vực.

Cùng với viên kỹ sư người Đức về nước, Trương Văn Khôi đã vận động gia đình bán đi nhiều bất động sản, đồng thời anh cũng đã vận động một số ngân hàng để được vay thêm vốn đầu tư.

Quả nhiên quyết đoán của Khôi là đúng đắn. Kết quả của đợt sản xuất đầu tiên với kỹ thuật mới vượt ngoài sức tưởng tượng: những hạt xà bông nhỏ nhuyễn, trắng mịn, khả năng hòa tan mau chóng, mùi thơm hấp dẫn đặc trưng của Viso không hề thua kém bột giặt nhập ngoại, bỏ xa các cơ sở bột giặt trong nước.

Từ đây, bột giặt Viso với thương hiệu con ngỗng tung hoành trên thị trường. Trương Văn Khôi tiếp tục dùng lợi nhuận đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại nhập từ các hãng sản xuất thiết bị cho ngành bột giặt tiên tiến nhất thế giới.

Một điểm đáng ghi nhận của ông chủ trẻ Viso là chính anh đã trực tiếp tham gia, trao đổi, học tập với tay chuyên viên Đức kia trong suốt quá trình anh ta hợp đồng làm việc cho Viso.

Thế nên, chỉ sau một năm hợp đồng, khi tay kỹ sư Đức về nước thì Trương Văn Khôi cũng đã nắm được toàn bộ bí quyết của kỹ thuật sản xuất để có thể tự mình thay thế anh ta mà không sợ bị khó khăn trong bất kỳ khâu kỹ thuật nào, dù trong tay Khôi không hề có một tấm bằng đại học.

Cũng phải nói thêm rằng, sở dĩ Khôi đã nắm chắc được kỹ thuật sản xuất còn do người kỹ sư kia đã tận tình truyền đạt mọi hiểu biết và kinh nghiệm của mình, kể cả những bí quyết riêng, không giống như những chuyên gia Á Đông thường hay giữ lấy để khiến người khác lệ thuộc vào mình.

Chỉ trong vòng không đầy mười năm từ ngày ra đời, bột giặt Viso đã làm nên một thương hiệu Việt Nam lừng lẫy.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.