Để tuyên truyền, vận động và tổ chức cuộc Minh Tân, ông Trần Chánh Chiếu đã biết sử dụng báo chí như một thứ công cụ lợi hại. Chúng ta cũng nên nhớ rằng, thời kỳ đó báo chí bằng chữ quốc ngữ chỉ mới phôi thai và hầu hết đều nằm trong tay người Pháp (đứng tên làm chủ báo).
Phải ghi nhận rằng, thành tích đáng kể của phong trào Minh Tân ở Nam Kỳ là còn để lại được bộ Lục Tỉnh Tân Văn gồm 52 số, trong đó ông Trần Chánh Chiếu trực tiếp làm chủ bút từ số 1 đến số 50, bắt đầu xuất bản vào trung tuần tháng 11/1907 đến 12/11/1908 (số 1 không ghi ngày, số 2 đề ngày 21/11/1907).
Lúc ban đầu, khi tờ LTTV mới ra đời, ông G. Chiếu đứng chủ bút với một tên khác là Trần Nhật Thăng, biệt hiệu Đông Sơ, vì lúc đó ông đang làm chủ bút cho tờ Nông Cổ Mím Đàm (NCMĐ), tờ báo bằng chữ quốc ngữ được xem là sớm nhất ở nước ta, xuất bản từ năm 1901. Ông Trần Chánh Chiếu làm chủ bút tờ báo này vào khoảng đầu 1906. Đến ngày 12/5/1908, ông thôi hẳn bên NCMĐ, ra mặt công khai (đứng tên thật) làm chủ bút tờ LTTV (từ số 27). Theo nhà văn Sơn Nam thì LTTV là một trong những tờ báo đối lập đầu tiên ở nước ta, công khai tranh đấu chống thực dân Pháp với chủ đích rõ rệt.
Một chi tiết đáng chú ý: Năm 1907 ở Hà Nội, Đăng Cổ Tùng Báo, là tờ báo tích cực yểm trợ cho phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục ở Bắc Kỳ, đã đăng tải những bài kêu gọi lòng yêu nước, chống tục lệ phong kiến… Nhưng báo này chỉ ra được 8 tháng thì bị chánh quyền đóng cửa vào ngày 11/11/1907. Vài ngày sau khi Đăng Cổ Tùng Báo chết, tờ Lục Tỉnh Tân Văn ra mắt số 1 tại Sài Gòn. Đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là phong trào Duy Tân ở Bắc Kỳ và công cuộc Minh Tân ở Nam Kỳ đã có được sự liên hệ từ trước đó?
Còn một chi tiết khác cũng hết sức quan trọng: Theo lời bà Trần Thị Xuyến, ái nữ của G. Chiếu thì trước đó, lần đầu tiên ông G. Chiếu bắt liên lạc được với ông Phan Bội Châu là nhờ tiếp xúc với một người từ Long Xuyên qua Rạch Giá bằng ghe. Thêm một chi tiết khác, việc ông G. Chiếu được thả ra chỉ sau vài tháng bị bắt, một phần nhờ sự can thiệp của chánh phủ Nhật và nhờ nhà chí sĩ Phan Văn Trường, bấy giờ ở Paris. Tuy được thả nhưng ông bị giám sát chặt chẳng khác gì tình trạng ông Phan Bội Châu ở ngoài Huế.
Việc ông G. Chiếu vào Pháp tịch và việc ông dùng ông Pierre Jeantet đứng tên (chủ nghiệm) tờ LTTV cũng là việc ông tạo ra cho mình các điều kiện để dễ dàng họat động. Người làm quản lý (chủ sự) cho tờ LTTV và cả Nam Kỳ Minh Tân công nghệ cùng các cơ sở kinh tài của ông G. Chiếu là một người đồng chí gan ruột của ông: ông Nguyễn An Khương.
Theo dõi liên tục các tờ LTTV ta thấy thỉnh thoảng lại có thông báo cho biết ông G. Chiếu hay ông Nguyễn An Khuơng vì lý do gì đó phải tạm ngưng công việc, giao lại cho người khác, ví dụ: LTTV số 34: “Vì lo nhiều việc quá nên chủ bút là G. Chiếu đau nặng lắm (…).Chủ bút về dưỡng bịnh tại Rạch Giá. Ai muốn hỏi điều chi thì gởi thơ vô đó”. LTTV số 37 loan tin: “Hôm trước củ bút đau thì tưởng là thôi giúp việc Nhật trình. Nay mạnh nên lên lãnh trở lại…”. LTTV số 22 đăng lời rao của ông Nguyễn An Khương: “… Bây giờ tôi có bệnh, coi sóc việc ấy không nổi, nên phải xin từ mà giao lại cho Monsieur Võ Đức Trang, kể từ ngày 10/4/1908”…
Những chuyện thay đổi chủ bút, quản lý, chủ bút đau… có thể là vì lý do chính trị, các ông đang bị theo dõi hay đang theo đuổi những họat động bí mật khác, ngoài mặt báo. Thời đó, chủ bút ngoài nhiệm vụ là người tổ chức biên tập và chịu trách nhiệm về bài vở của tờ báo, còn phải là một cây viết chủ lực. Giở lại những trang LTTV chúng ta thấy một lượng bài vết khổng lồ của cây bút Trần Chánh Chiếu trên mọi trang, mọi mục từ những bài chính luận, nghiên cứu, chuyện đông tây kim cổ đến các mẫu tin, các lời rao. Cũng giống như trường hợp ông Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố trên tờ Tri Tân vào những năm 30 sau đó trên đất Bắc. Vào những năm đầu thế kỷ 20, văn viết quốc ngữ còn rất nôm na, dài dòng, chẳng khác mấy với văn nói. Nhưng đọc qua những gì ông Trần Chánh Chiếu đã viết chúng ta lại gặp một giọng văn khúc chiếc, gãy gọn và mang đậm cá tính, chứng tỏ ông rất dụng công. Nếu có ai đó chịu nghiên cứu việc này, có lẽ sẽ ghi nhận được những đóng góp nhất định của ông G. Chiếu trong quá trình phát triển văn viết tiếng Việt ở nước ta, hay Nam Bộ nói riêng.
Đáng tiếc là chúng tôi chưa tìm được những số Nông Cổ Mím Đàm trong thời đọan mà ông G. Chiếu là chủ bút. “Tôi lãnh làm chủ bút Nông Cổ đã 2 năm, hết sức lo lường, tốn công hao của lo khai dân trí, nói cho phải cũng nhờ nho gia chư vị trợ lực, nay tôi nhiều việc quá lo không kham, phần có nhiều vị quên trả tiền Nông Cổ, làm khó dễ trong việc sổ sách nên tôi trả lại cho ông chủ nhơn là M. Canavaggio (…). Nay tôi đem các việc hùn từ thuở nay của tôi lập qua Lục Tỉnh Tân Văn và sẽ rao tiếp trong sổ Minh Tân công nghệ trong Lục Tỉnh Tân Văn” ( LTTV số 27). Thật ra, việc ông thôi ở NCMĐ là do chủ trương của ông và của tờ báo ấy không còn hợp nhau. NCMĐ muốn giữ “hòa khí” với chánh quyền thực dân và lo ngạy về những họat động yêu nước của ông cả trong và ngoài mặt báo.
Ngoài viết báo, ông G. Chiếu còn sọan những loại sách về kiến thức phổ thông và giải trí như : Tiền căn báo hậu (Phỏng Le comte de Monte Cristo của A. Dumas), bút hiệu Kỳ Lân Các (1914); Văn ngôn tập giải (Recueil du langage fleuri), giải thích các danh từ mới; Gia phổ (Livret de famille), có chừa khoảng trống, giúp những người muốn lập gia phả ghi chép (1917).
Gần đây, trong công trình nghiên cứu “Các công trình văn học quốc ngữ miền Nam”, ông Hùynh Ái Tông có một phát hiện quan trọng có liên quan đến nhân vật Trần Chánh Chiếu, xin trích dẫn ra đây một đọan:
Tiểu thuyết miền Nam khai sinh từ lúc nào ? Ấy là một điểm quan trọng cần được tìm hiểu.
Theo các nhà văn hay các nhà khảo cứu thì tiểu thuyết sơ khai được in trong các tập sách quảng bá của các nhà thuốc Tây (Pharmacie) hay nhà thuốc Nhị Thiên Đường thời bấy giờ, những quyển sách ấy cũng chỉ còn lại trong ký ức của họ, sách xuất hiện vào khoảng những năm 1910.
Khi nghiên cứu về Hồ Biểu Chánh, chúng ta biết rằng quyển tiểu thuyết đầu tay của ông là quyển “Ai Làm Được”, khởi thảo từ năm 1911, là thời gian ông làm việc tại Cà Mau và bối cảnh chuyện cũng được ông chọn nơi đó. Theo sự tiết lộ của gia đình thì quyển tiểu thuyết nầy ông khởi hứng viết sau khi đọc chuyện “Hoàng Tố Oanh Hàm Oan” của Gilbert Trần Chánh Chiếu. Như vậy Trần Chánh Chiếu còn viết tiểu thuyết sớm hơn Hồ Biểu Chánh. Nhưng sau nầy người ta lại còn tìm thấy Truyện “Thầy LAZAZO Phiền” của Nguyễn Trọng Quản đã được ấn hành năm 1887.
Như vậy có thể nói rằng tiểu thuyết trong văn học Quốc ngữ miền Nam có từ năm 1887, nhưng nó không gây được ảnh hưởng gì cho người sáng tác và giới thưởng ngoạn, nó bị chìm trong lãng quên, mãi cho tới khoảng 25 năm sau, tiểu thuyết mới gây được phong trào sáng tác và thưởng ngoạn.
Không kể Nguyễn Trọng Quản, những nhà văn tiền phong viết tiểu thuyết như Trần Chánh Chiếu, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt là những tiểu thuyết gia truyền thống miền Nam, tiếp nối có Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Tân Dân Tử, Hồ Hữu Tường, Phi Vân, sau nầy còn có Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam.
Cho họ là tiểu thuyết gia truyền thống miền Nam, bởi vì văn chương của họ có những nét đặc thù miền Nam, nó không mang tính chất diễm lệ qua lối hành văn, không tiểu thuyết hóa những câu đối thoại. Một vài nhà văn như Hồ Biểu Chánh chẳng hạn, chúng ta thấy văn chương của ông là thứ văn ” ròng miền Nam “, có lẽ vì đặc tính ấy mà trước đây những nhà khảo cứu đã bỏ quên hay xem nhẹ tiểu thuyết miền Nam”.
Nếu đúng như vậy, ngoài việc khởi xướng và lãnh đạo cuộc Minh Tân ở Nam Kỳ, ông Trần Chánh Chiếu còn là một cây bút tiên phong của nền tiểu thuyết nước ta. Đây sẽ là một đề tài không kém thú vị cho các nhà nghiên cứu văn học sử.
Sưu tập lại lọat tài liệu trên đây, ngoài việc ghi nhận những đống góp của ông Trần Chánh Chiếu và những người đồng chí của ông cách nay đúng 100 năm, chúng tôi còn muốn lưu ý đến tư tưởng TỰ CƯỜNG của cộc Minh Tân, nó có giúp ích gì cho chúng ta chăng trong giai đọan mở cửa và hội nhập toàn cầu?