Cách nay đúng 100 năm, năm 1906, trên đất Nam Kỳ, khi ấy còn trong chế độ bảo hộ của thực dân Pháp, đã có một cuộc vận động và đã trở thành một phong trào xã hội to lớn có tên là cuộc Minh Tân. Những người chủ trương vận động cuộc Minh Tân này hầu hết là trí thức và điền chủ tiến bộ, mà người chủ soái, linh hồn của phong trào là ông Trần Chánh Chiếu. Dù chủ trương ấy cuối cùng không đi đến đích, do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, song không phải không để lại cho chúng ta bây giờ những bài học tham khảo đáng suy gẩm…
MẤY NÉT TIỂU SỬ về ông Trần Chánh Chiếu
Ông sinh năm 1867 (năm Đinh Mão, mùng 2, tháng 6 âm lịch) tại quận Vân Tập, chợ Rạch Giá, cùng năm sinh với nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu. Nửa cuối thế kỷ 19, quận Vân Tập là một đơn vị hành chánh nằm trong thị xã Rạch Giá, như là một ấp, một khóm ngày nay. Quận Vân Tập này là dấu tích cũ của làng Vân Tập hồi cựu trào (các chúa Nguyễn). Khi thực dân Pháp chiếm Nam Kỳ, ba làng là Vân Tập, Thanh Lương và Vĩnh Huê hợp lại thành xã Vĩnh Thanh Vân (nay là phường Vĩnh Thanh Vân, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang). Cha của ông là ông Trần Thọ Cửu, một hương chức trong làng.
Nhờ cha mẹ khá giả nên ông Trần Chánh Chiếu sau khi học ở tỉnh, đã được một linh mục giới thiệu lên Sài Gòn vào học ở trường Lớn (trường Collège d’Adran).
Ông mất tại Sài Gòn năm 1919, hưởng thọ 53 tuổi, phần mộ táng ở đất họ đạo Tân Định. Vì nhập Pháp tịch nên ông còn được gọi là Gilbert Trần Chánh Chiếu (viết tắt là G.Chiếu).
Học thành tài ông làm thông ngôn cho quan tham biện chủ tỉnh Rạch Giá (gọi nôm na là thông ngôn đứng bàn ông Chánh), một chức vụ không chỉ làm thông dịch mà quan trọng như là bí thư, cố vấn, càng quan trọng hơn vì quan thông ngôn còn có thể đổi trắng thay đen vì sự bất tường ngôn ngữ giữa người trị và người bị trị. Ông có làm giáo học một thời gian trước khi làm thông ngôn. Sau đó làm xã trưởng Vĩnh Thanh Vân. Trong thời kỳ này ông có xin trưng khẩn đất hoang ở vùng Tràm Chẹt Nhỏ, thuộc quận Giồng Riềng. Ông là người kinh doanh khéo léo, sắm nhiều ghe Lèo thật to (lọai ghe độc mộc mua từ trên Lào, thả về xuôi theo dòng Mê Kông) để chở luá ra chợ bán. Ngoài số ruộng ở Tràm Chẹt Nhỏ (sau này bán lại cho ông hội đồng Nghé), ông còn nhiều huê lợi từ việc sở hửu phố xá tại chợ. Phố xây cất từ xưa, cát vàng lấy tại địa phương trộn với ô dước làm hồ. Ông cũng là người đầu tiên thiết kế chợ Rạch Giá. Nói tóm lại, trong thời kỳ đầu ngắn ngủi ra làm việc cho chánh quyền thuộc địa, ông đã làm được một số việc ích lợi cho đồng bào. Ông Nguyễn Liên Phong trong Nam Kỳ phong tục diễn ca còn ghi lại:
Vĩnh Thanh Vân cảnh đẹp xinh
Bởi Trần Chánh Chiếu công trình sửa sang.
Bốn năm làm xã gian nan
Gốc nguyên chức tước đứng bàn thông ngôn.
Tính người lanh lợi khéo khôn
Xuất thân trợ sự nội thôn châu thành.
Mở mang sắp đặc cải canh
Phố phường chợ búa phân minh tư bề.
Đâu đâu thảy cũng luật lề
Dân du, lính tập chẳng hề dám ngang.
Sổ thâu, sổ xuất kỹ càng
Nhà dân số hiệu rõ ràng không sai.
…
Trần Chánh Chiếu là nhân vật chủ chốt của phong trào Minh Tân đất Nam Kỳ, đây là cuộc vận động để duy tân đất nước theo gương của người Trung Hoa và người Nhật đầu thế kỷ 20, với chủ trương phát triển công thương nghiệp, mở mang trường học, sửa đổi phong tục… để đạt mục đích cuối cùng là đánh đổ thực dân Pháp. Hãy tạm xếp một bên tư tưởng bảo hoàng mong thành lập chế độ quân chủ lập hiến với ông Cường Để làm vua cùng những họat động hội kín bí mật mà ta không tường được; còn lại những chủ trương, những hoạt động công khai của ông thật đáng ghi nhận, cho dù do thực tế thời cuộc mà nhiều chủ trương tiến bộ của ông đã không thành hiện thực. Nổi bật lên trên những họat động ấy là khuyến khích người Việt tự cường bằng cách liên kết với nhau thành lập các công ty, các cơ sở thương mại, tài chánh tín dụng, phát triển công nghệ, dịch vụ… hòng cạnh tranh với tư bản Pháp và Hoa kiều lúc ấy đang thống lãnh nền kinh tế Nam Kỳ. Đồng thời ông cũng là người đi đầu trong phong trào khuyến khích dân chúng học tập, mở mang trường sở, canh tân phong tục, mà phương thức chủ yếu là dựa vào hoạt động báo chí.
Vào khoản năm 1906 -1907, ông Trần Chánh Chiếu làm chủ bút tờ Nông Cổ Mím Đàm. Nhưng do tờ báo này không theo lập trường nhất định, khi thì tiến bộ, khi thì làm thân với chánh quyền thực dân, nên giữa năm 1908 ông Chiếu bỏ Nông Cổ Mím Đàm, ra mặt công khai làm chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn, một tờ báo mà ông chủ trương và trược tiếp tổ chức điều hành từ 6 tháng trước đó, với bút hiệu khác là Trần Nhật Thăng, biệt hiệu Đông Sơ.
Sau khi thôi làm xã, ông bán toàn bộ điền sản ở Tràm Chẹt Nhỏ và phố xá ở Rạch Giá để lên Sài Gòn và Mỹ Tho mưu việc lớn. Ta cũng nên nhớ, đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho đã có từ 1883, còn đường xe nối liền Sài Gòn – Rạch Giá mãi 1916 mới có. Vào thời đó, việc khai thông kinh rạch và trưng khẩn đất hoang từ sông Hậu trở xuống đã cơ bản hoàn thành. Lúa thóc trở thành thứ hàng hóa chủ lực của Nam Kỳ, chẳng những cung cấp cho cả Đông Dương mà còn xuất cảng sang nhiều nước Á, Âu. Mỹ Tho trở thành đầu mối lưu thông đường thủy với cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, Cao Miên, Lào và Thái Lan.
Cuối tháng 10/1908, ông Trần Chánh Chiếu bị chánh quyền thực dân bắt tại Sài Gòn rồi đưa về Mỹ Tho để lục xét khách sạn Minh Tân, một đầu mối liên lạc quan trọng của ông với những người cùng chí hướng. Có đến 91 người bị bắt trong vụ này. Ông được thả ra vào tháng 4/1909, nhưng từ đó, mười năm cuối đời ông luôn bị chánh quyền thực dân theo dõi nghiêm ngặc.
Dưới đây, chúng tôi muốn trở lại xem xét những những họat động cụ thể của Trần Chánh Chiếu trong cuộc Minh Tân với các chủ trương và tổ chức họat động phát triển công kỹ nghệ, thương mại, dịch vụ, tài chánh, khuyến học, dạy nghề và báo chí.
Trần Chánh Chiếu: Ý TƯỞNG MỘT TẬP ĐOÀN KINH TẾ
Trong những chủ trương phát triển công kỹ nghệ của ông Trần Chánh Chiếu thì việc thành lập công ty Nam Kỳ Minh Tân công nghệ có thể được xem là táo bạo nhứt. Liên tục trên các số báo Lục Tỉnh Tân Văn (LTTV)từ số 21, ra ngày 9/4/1908 đến số 49, ra ngày 22/10/19008, luôn có những thông tin về kết quả vận động, tổ chức và bước đầu đi vào họat động của Công ty này.
Có thể hình dung đây là một tập đoàn kinh tế theo hình thức góp vốn cổ phần, có lĩnh vực họat động kinh doanh rộng lớn từ sản xuất, đào tạo nhân lực, đến thương mại, xuất nhập khẩu.
Trong điều lệ “rao theo luật buộc” (LTTV số 32), cho biết rõ mục đích của việc thành lập:
“Khoản thứ nhứt – Những người có mặt tại đây và chư vị hùn sau, cùng nhau lập một công ty đặng mà:
- Lập lò nghệ tại Nam Kỳ: lò chỉ, lò dệt, lò sa von (sà phòng – NTT), thuộc da và pha ly (thủy tinh – NTT)…
- Dạy con nít làm các nghề ấy.
- Gilbert Chiếu làm Tổng lý công ty.
Quán chánh Công ty ở tại thành Mỹ Tho”.
Báo LTTV số 40 lại rao:
“Ngày 5/9 (1908) , Công ty mở hội nghị, ông Gilbert Chiếu xin xuất 1.000 đồng đặng mua đồ bên Tây đem về mà bán, những là giấy bông, tượng sơn thủy…”.
Trước đó, LTTV số 39 lại thấy rao:
“Tổng lý là G. Chiếu ra thông cáo cho biết ai có hùn vốn thì có quyền gởi con đến học nghề, thời hạn học là 7 năm, Công ty nuôi cơm nước còn quần áo, mùng mền thì cha mẹ phải chịu. Công ty lo nhà ngủ, nhà ăn cho học trò, đứa nào học giỏi sẽ được hưởng lương tháng, sau đó, khi biết nghề rồi phải giúp việc cho Công ty 7 năm”.
Trong thời gian biểu học tập thấy ghi rõ các phần học nghề, học chữ quốc ngữ, học chữ “Lang sa”, thời gian luyện tập thể thao và dọn dẹp vệ sinh, cả phần: “Ngày lễ theo đạo Thiên Chúa hoặc theo đạo Thích Ca, học trò được đi làm việc bổn phận”.
Việc khởi xướng cuộc vận động thành lập Nam Kỳ Minh Tân công nghệ bắt đầu từ ngày tháng nào, vẫn chưa tìm thấy được. Nhưng bắt đầu từ số 21 trên LTTV đã thấy rao:
“Hể cuối tháng thì sẽ có rao số chư vị có đóng bạc, còn số rao mỗi khi đó thì nay không ghi nữa, vì đã khỉ (khởi) sự thâu bạc. Phiến ngôn cửu đỉnh, nhứt nặc thiên kim. Cúi xin bạn đồng bang phải giữ lời hứa, chớ khá giêng (diên) trì mà hư việc cả. Nay kính. Gilbert (Mỹ Tho)”.
Lại thấy ghi thêm:
“Nếu có đóng bạc thì đóng tại Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho hoặc là Nam Trung khách sạn ở Sài Gòn”.
LTTV số 29, vào tháng 6/1908:
“Minh Tân Công Nghệ đã nhóm đại hội hôm ngày 31 Mai (tháng Năm) này. Nay đã nộp điều lệ cho Notaire cầu chứng , vài ngày nữa sẽ rao và in ra 3.000 cuốn phát cho chư vị có hùn, trong chừng một tháng nữa sẽ khởi công khai trương”.
Như thế, cho đến thời điểm này đã có ít nhứt là 3.000 cổ đông, tất nhiên một cổ đông có thể sở hữu nhiều cổ phần. Cũng trong số báo này trang 5 còn đăng lời rao, ký tên G. Chiếu:
“DẦU SẢ: Bên phương Tây hay mua sả cây làm dầu, trộn với savon để làm savon thơm, còn xác còn lại lấy làm giấy. Trong Nam Kỳ ai có đất hoang nên trồng sả cho nhiều, chừng một năm nữa tôi sẽ rao mua nhiều lắm”.
Ngày 3/9/1908 Công ty rao mua 100.000 trái dừa khô.
Ngày 17/9/1908 thấy thông báo Chánh chủ hội là ông Nguyễn Viên Kiều mời các người dự hội tới xem việc làm nền và dựng cây cất lò, trước đó Công ty đã mua đất của ông M.de Balman gần cầu sắt Mỹ Tho, ngang rạp hát Tư Lài. Trước khi những người dự hội ra về, ông Gilbert Chiếu tặng cho mỗi vị nghị sự 4 cụt savon “đem về dùng thử, tốt xấu sẽ đem như lời luận của các ông vào LTTV”.
Số 43 LTTV ra ngày 10/9/1908 đăng quảng cáo hai trang lớn về sà bông Con Vịt “tốt hơn của Chệt làm”.
Số 49 LTTV ra ngày 22/10/1908 cho biết:
“Từ ngày có savon Minh Tân ló ra bán rẻ, thì savon các Khách (Hoa kiều) cũng hạ giá theo, nên nay Công ty hạ giá bán cho các đại lý hơn, hoặc ai mua từ 100 kilos cũng nhờ được”.
Vài ngày sau khi ra thông báo này ông G. Chiếu bị bắt. “Hậu sự” của Minh Tân Công Nghệ từ đó ra sao? Chúng tôi không tìm được tài liệu để theo dõi tiếp. Lẽ dĩ nhiên trong số những sáng lập viên của Công ty không thể vắng mặt trong số 91 đồng sự cùng bị bắt với ông.