Review: Người Phàm của Philip Roth

0
58

Cuốn tiểu thuyết “Người phàm” của Nhà văn Mỹ Philip Roth đã mở ra đời sống của cả một kiếp người với sự “tha tính” đầy trọn vẹn về niềm hoài cổ với những ký ức đẹp đẽ. Nó đối chọi với hiện tại bằng những bệnh tật, cô đơn và cái chết.

Người phàm Philip Roth
Philip Roth

Liệu con người mang theo được gì khi nằm ở dưới “huyệt mộ”? Đó là bức thông điệp đẹp đến đau lòng đã được bóc mở một cách đậm đặc trong quyển tiểu thuyết này – một bức di chỉ mang tâm hồn của con người thời hiện đại.

“Người phàm” đã được Philip Roth miêu tả qua lời của một nhân vật không tên kể về cuộc đời trong hồi ức về câu chuyện gia đình với ba lần hôn nhân bị thất bại. Nó là bi kịch hay sự đổ vỡ của một hạnh phúc vẫn còn mới một cách tinh tươm trong cảm nhận của nhân vật. “Người phàm” là hệ lụy của một hạnh phúc với tất cả cả rạn vỡ đang tồn tại một cách lầm lũi trong xã hội hiện đại ở nước Mỹ.

Hồi ức đầu tiên, là hình ảnh của một ngôi huyệt mộ trong một nghĩa trang tiêu điều, nơi chôn cất những người đã sinh thành ra ông. Người đọc sẽ cảm thấy hình ảnh của “màn tái dựng chính xác đến chi li của Howie về cái thế giới từng tồn tại ngây thơ”. Cách nhà văn Philip Roth miêu tả là đặt hình ảnh cái chết của con người vào một sự vật đang chuyển động và ở trên tay một người đang sống: chiếc đồng hồ Hamilton và Howie. Cái thế giới ấy, được trải qua bằng tất cả sự dịu dàng, bình an nhưng cũng đầy đau thương. Sinh mệnh của người đang tồn tại bỗng dưng bị cắt lìa khỏi cuộc đời một cách thản nhiên và đầy yếu ớt. Đó là cảm giác lạnh lùng được khúc xạ qua cái nhìn của cô y tá Maureen. Khi cuộc đời cô xa lạ “cả sự sống lẫn cái chết”.

Hồi ức thứ hai, hình ảnh về người thủy thủ chở dầu bị ngư lôi của tàu ngầm Đức tấn công, ngay tại vùng biển New Jersey – nơi mà các bước chân của con người sợ đụng phải những thây ma. Các ý niệm tiếp liền nhau về hình ảnh một “cậu bé giường bên” và bước bước chân của chàng thủy thủ trên bờ biển. Sự tồn tại giữa sự sống và cái chết chỉ tùy thuộc vào các lằn ranh mong manh trong  ý nghĩ của con người.

Hồi ức thứ ba, là hình ảnh của cô bé “đặc biệt” cứ chạy bộ ngang qua. Hình ảnh ấy như gợi nhắc đến cô gái đã từng đi qua đời ông: Merete. Cách viết của Roth như chạm vào sự nguyên ủy của con người khiến cho nhân vật “phải che giấu ham muốn của mình”. Vì già nua ông đã vuột mất Merete hay cô gái vừa chạy khỏi đời ông nên nó xem như là “cái cuộc sống từng vây quanh mình! Cái sức mạnh từng là của mình. Ngày xửa, ngày xưa mình từng là một con người trọn vẹn.”

Nét độc đáo nằm ngay ở cuối tác phẩm, Người đọc sẽ cảm nhận sự tinh tế trong cuộc gặp gỡ giữa ông và người “da đen” làm công việc “đào huyệt”. Đây phải chăng là một đoạn hội thoại mang tính tâm linh, một lời nhắn nhủ sau cùng về hạnh phúc và sự kỳ diệu của nó: Hãy dành hết những tình cảm yêu thương khi những ngón “tay còn đương ấm”. Bức thông điệp sẽ không bao giờ cũ, khi mà tình yêu vẫn còn tồn tại và cái chết thì luôn kề cận.

“Người phàm” một lần nữa khẳng định tầm vóc của một nhà văn đương đại lớn của Mỹ. Những ký ức đan xen giữa hiện tại và quá khứ, câu văn được viết một cách lạnh lùng với những chồng chất như xô đuổi òa vỡ vào nhau – Philip Roth đã tìm cách giúp cho người đọc tìm đến sự ấm áp của chính tâm hồn mình. Nó như một cuốn sổ ghi lại tất cả các giấc mơ đẹp đến ngây dại, phảng phất sự ngây thơ đến cả những tia hi vọng cuối cùng.

Philip Milton Roth (sinh ngày 19/3/1933) tại New Jersey, Mỹ trong một gia đình Do Thái nhập cư. Ông tốt nghiệp ngành Ngữ văn tại Đại học Bucknell, tiếp đó học cao học Văn chương Anh tại Đại học Chicago. Roth dạy sáng tác tại Đại học Iowa và Princeton. Sự nghiệp học thuật của ông tiếp tục tại Đại học Pennsylvania cho tới khi về hưu vào năm 1991.

Philip Roth là nhà văn đương đại lớn của Mỹ với hai lần được tặng giải thưởng National Book Award, hai lần nhận giải National Book Critics Circle Award (do giới phê bình trao), và ba lần nhận giải PEN/Faulkner Award. Năm 1998, ông nhận giải Pulitzer cho tiểu thuyết American Pastoral, khắc họa nhân vật nổi tiếng nhất của ông, Nathan Zuckerman. Năm 2001, The Human Stain, một tiểu thuyết nữa về Zuckerman, đã giành được giải WH Smith Literary Award của Anh. Năm 2005, Philip Roth trở thành nhà văn Mỹ thứ ba được Library of America xuất bản toàn tập ngay từ khi còn sống. Tập thứ tám dự kiến sẽ ra đời vào năm 2013.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.