Cuốn tiểu thuyết “Ba ơi mình đi đâu?” của nhà văn Pháp Jean-Louis Fournier đoạt giải Fémina 2008, một trong những giải thưởng Văn học danh giá nhất của nước Pháp .
Được xây dựng dưới hình thức một bức thư, nguời cha trong truyện cũng chính là tác giả nói về hai người con trai tật nguyền của mình.

Tác phẩm xâu chuỗi bằng một lời văn giản dị, hóm hỉnh nhưng chân thực đến lay động. Câu chuyện là sự trải dài vô tận một thế giới cô đơn của “khuyết tật”. Mathieu gần gũi với hình ảnh “quả bóng” vật mà cậu ta hay ném. Sự câm lặng, im ắng, rồi chính Mathieu cũng bị nó cuốn mất hút vào bóng đêm, thinh không, lặng lẽ, như “mùa thu” và “giấc mơ”.
Là hình ảnh của tiếng “Brừm, Brừm”, câu nói lặp đi, lặp lại từ đầu đến cuối tác phẩm “Ba ơi mình đi đâu?” và cách nói chuyện với bàn tay như một hình thức độc thoại nhưng rồi chính Thomas cũng trở về với “nguyên tội”. Sống trong một thế giới không bao giờ trưởng thành, luôn nhỏ bé với bó buộc của định mệnh .
Người cha Jean-Louis tồn tại với hai tạo vật của mình bằng “Nụ cười”, với triết lý “thay vì, mềm yếu trước khuyết tật của mình chúng lại lấy khuyết tật đó ra để vui đùa”.
Tác phẩm là sự cộng gộp trớ trêu mà tạo hóa đã dành cho con người: tật nguyền, hi vọng, mong manh, bất hạnh, sự khước từ của hạnh phúc, nét khập khiễng do chính đời sống mang lại. Người ta không thể tồn tại, hay chống đối, chỉ còn cách yêu quý như chính cuộc sống của bản thân mình.
Truyện kết thúc, dường như mọi giới hạn để tạo ra khoảng cách đều không có mép rìa của chính bản thân nó vậy. Nhưng câu chữ của lời kể trong tác phẩm “Ba ơi mình đi đâu?” của nhà văn Jean-Louis Fournier thì cứ dẫn dụ, mê hoặc đưa mỗi chúng ta đến bờ bên kia của cõi thiện.
TRÍCH DẪN ĐẶC SẮC:
Ba ơi, mình đi đâu?” – câu hỏi của đứa trẻ thiểu năng lại động đến vấn đề cốt tủy về thân phận con người, nơi mà sự sống, sinh thành và mất mát đều mang bên trong nó những bí ẩn, nỗi bất an rình rập đến khó giải nghĩa. Bí ẩn, bất ngờ mang đến dư vị hạnh phúc và mặt kia – là nỗi khổ đau day dứt trong cuộc đời. Người cha trong cuốn sách này đã đúc kết bằng một triết lý rung động tâm can: “Sinh ra một đứa trẻ, là đối mặt với nguy cơ… Không phải bao giờ người ta cũng thành công. Thế nhưng, người ta vẫn tiếp tục sinh đẻ”.
THÔNG TIN KHÁC
Có những trang sách kể câu chuyện buồn với nỗi dửng dưng khiến người đọc xa xót. Chúng ta thấy được đôi mắt âu lo, nghe được lồng ngực phập phồng dồn nén của những người đàn ông phía sau cánh cửa phòng hộ sinh, đợi tiếng khóc đứa trẻ cất lên. Và rồi cũng thật khó quên được những tiết tấu buồn lặng của hình ảnh chiếc xe nhỏ bé chạy chậm chạp trên con đường dài, xuyên những cánh rừng mùa thu đẹp đến nao lòng, khi người cha bất hạnh chở hai đứa con tật nguyền trong chuyến đi xa. Ông ta tự nói chuyện một mình – với những câu hỏi mà nhiều người cha khác vẫn hay hỏi con cái: Hôm nay các con học hành thế nào, có được điểm tốt hay không? Các con có thích những bức họa của Monet, Turner hay Rembrandt? Có thích nhạc của Bach, Mozart, Beethoven hay sách của Jacques Prévert, Marcel Aymé, Raymond Queneau?… Nhưng, đáp lại người cha bất hạnh này, vẫn chỉ là những lời ấm ớ của Mathieu và đôi khi là những lời ngờ nghệch từ miệng Thomas: “Ba ơi, mình đi đâu?”… – Vĩnh Nguyên