Năm 1946, tại đường Paul Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng), đối diện chợ Tân Định, có một tiệm tạp hoá hiệu là Vũ Lai bán đủ thứ hàng hoá linh tinh, từ dụng cụ học sinh, văn phòng phẩm, các loại xà bông và cả “cao đơn hoàn tán”. Chủ nhân của tiệm là Nguyễn Kim Thạch, một thanh niên còn rất trẻ, vừa mới rời ghế nhà trường, sau một thời gian ngắn đi làm thư ký cho một hãng buôn người Pháp, thôi việc về mở hàng tạp hoá này.
Một ngày nọ, có một khách hàng vào tiệm hỏi mua một số lượng khá lớn dây đàn măng-đô-lin, nhưng người này chỉ mua hai loại dây mi và la.
Trong bộ dây đàn măng-đô-lin bốn sợi, ai cũng biết hai sợi dây mi và la là hai sợi dây mảnh, rất dễ bị đứt khi chơi đàn hay lúc lên dây quá căng. Nhưng thời ấy, công nghiệp cơ khí nước ta còn rất thô sơ, lạc hậu, chưa sản xuất được dây đàn. Dây đàn bán trên toàn thị trường Đông Dương đều phải nhập cảng từ Pháp với nhãn hiệu Argentine nổi tiếng, độc chiếm thị trường ba nước Việt, Miên, Lào.
Nhưng dây đàn Argentine chỉ bán cùng lúc cả bộ với bốn dây, dù người mua đôi lúc chỉ cần một dây vẫn phải mua luôn cả bộ, vừa lãng phí, bất tiện lại khó tìm. Không chỉ có dây đàn măng-đô-lin mà cả dây đàn tây-ban-cầm (guitare espagnole) và ha-uy-cầm (guitare hawaienne), là những loại đàn phổ biến trong giới chơi nhạc thời ấy, đều cùng chung một tình trạng như vậy.
Tuy không có hàng để bán, nhưng yêu cầu của người khách hàng đã gợi ý cho anh thanh niên Nguyễn Kim Thạch một sự tò mò, khiến anh nghĩ tới một hướng để kinh doanh: cung cấp dây đàn tuỳ yêu cầu người sử dụng.
Ngày hôm sau Nguyễn Kim Thạch đi tìm hỏi khắp các tiệm dây bán dây đàn trong châu thành Sài Gòn thì cũng không chỗ nào chịu bán cho anh chỉ những sợi dây mảng trong bộ dây đàn, họ bắt buộc người mua phải mua một lần đủ cả bộ, cho dù người mua chỉ cần dùng một dây.
Nguyễn Kim Thạch suy nghĩ, việc nhập khẩu dây đàn theo yêu cầu và số lượng của từng loại dây đâu phải là một việc gì quá khó khăn ?
Cái khó của thời đó là các nhà nhập cảng, chủ yếu là người Pháp và người Hoa, hay giữ bí mật nhà nghề, không tiết lộ tên mấy hãng sản xuất bên Pháp.
Sau thời gian sục sạo, thời may Nguyễn Kim Thạch tìm thấy tại Bưu Điện Sài Gòn một quyển niên giám về các nhà sản xuất và kinh doanh bên Pháp, trong đó có địa chỉ của hãng L’industrie du Boyau, nơi sản xuất ra các loại dây đàn mang nhãn Argentine.
Do có vốn Pháp ngữ vững vàng và có thời gian làm thư ký cho một hãng buôn của Pháp nên Nguyễn Kim Thạch có được kinh nghiệm về các thủ tục nhập cảng.
Thế là Nguyễn Kim Thạch viết thư liên hệ với hãng sản xuất và lập các thủ tục đặt hàng nhập cảng dây đàn.
Chẳng bao lâu, từ một tiệm tạp hoá bán lẻ, anh đã phát triển thành một hiệu buôn sỉ dây đàn, đáp ứng mọi điều kiện mua của khách hàng. Để mở rộng kinh doanh, anh cho dời hiệu buôn về số 19 đường Frostin (nay là đường Bà Lê Chân, Q.1), vừa là hiệu buôn dây đàn vừa là hiệu sách, lấy tên là nhà sách Kim Thạch.
Từ đó nghiễm nhiên tất cả những nơi bán lẻ dây đàn trong thành phố và sau đó là cả nước từ Hà Nội, Huế, Hải Phòng và sau nữa là Viêng-chăng, Nông-pênh trở thành hệ thống chân rết tiêu thụ dây đàn do nhà sách Kim Thạch nhập cảng, do chẳng có được nơi nào tiện lợi trong việc mua như nơi này, vì khách hàng có thể đặt hàng tuỳ theo ý muốn.
Công việc làm ăn của Nguyễn Kim Thạch phát đạt một cách không ngờ, doanh số và lợi nhuận tăng lên vùn vụt, đến nỗi hãng sản xuất dây đàn L’industrie du Boyau của Pháp đã cử đại diện đến Sài Gòn để thương lượng giao cho Nguyễn Kim Thạch làm đại lý độc quyền dây đàn Argentine trên toàn cõi Đông Dương.
Trong mấy năm liên tiếp, dây đàn tiêu thụ tại Đông Dương vượt cả mức sản xuất của L’industrie du Boyau, khiến hãng này phải mua thêm của những hãng sản xuất khác dây đàn cùng chất lượng, cho mang nhãn Argentine để giao cho đủ theo hợp đồng đặt hàng của Nguyễn Kim Thạch.
Hoạt động được vài năm, vì nhu cầu phát triển, Nguyễn Kim Thạch mở thêm chi nhánh và nhà kho tại số 64D, đường Địa Hạt 15, Bà Chiểu, Gia Định (nay là 70 Lê Quang Định, Bình Thạnh).
Mặc dù việc kinh doanh phát đạt, nhưng anh thanh niên Nguyễn Kim Thạch vẫn tự mình làm mọi việc từ khâu đặt hàng, viết văn thư (bằng tiếng Pháp), đánh máy, liên lạc ngân hàng mở tín dụng nhập cảng, khai quan thuế lãnh hàng, giao hàng và làm kế toán… Do đó, các chi phí được giảm đến mức tối thiểu.
Năm 1953, Pháp thay đổi hối suất đồng quan (franc), một số nhà nhập cảng lớn nhỏ thời đó phát tài bất ngờ.
Tất cả hàng hoá đặt mua của Pháp đã có hoá đơn, hàng hóa trên đường vận chuyển và hàng hoá tồn kho đều đương nhiên có giá trị tăng gần gấp đôi, càng làm cho nhà buôn dây đàn Nguyễn Kim Thạch trở nên phát đạt. Nhưng cũng trong năm ấy, người chủ nhà sách kiêm nhà nhập cảng dây đàn bị động viên quân dịch, thành ra cơ sở kinh doanh này cũng ngừng hoạt động.
Nguyễn Kim Thạch còn là nhà xuất bản nhạc nổi tiếng một thời. Những nhạc phẩm của các nhạc sĩ như Lưu Hữu Phước, Lê Trực (tức Hoàng Việt), Phan Huỳnh Điểu, Lê Thương, Anh Việt… được phổ biến rộng rãi một thời có phần đóng góp của Nguyễn Kim Thạch..