Nguyễn Công Lý góc nhìn qua văn học thời Lý – Trần

0
256
văn học thời Lý – Trần;

Công trình khá đồ sộ mang tên: văn học Việt Nam Thời Lý – Trần của nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Công Lý được xem là một bổ khuyết lớn cho dòng văn học Phật giáo nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.

Văn học với điểm nhìn về sự vận động của tiến trình lịch sử để trình bày những quy luật và đặc điểm không phải là một phương pháp mới.

Bởi, trong toàn bộ diễn trình của “nền văn học Phật giáo” thời Lý – Trần đã có rất nhiều công trình khác đã sử dụng phương pháp này làm hướng tiếp cận, nghiên cứu.

Tuy vậy, để khai thác được bề rộng của một dòng văn học thì đây là cách tối ưu nhưng để phát hiện theo chiều sâu thì việc kết hợp giữa tiến trình và khuynh hướng, cảm hướng đã được nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Công Lý không ngừng tìm tòi, sáng tạo suốt gần ba mươi năm trời. Và một lần nữa, “điểm mới” về cách tiếp cận “liên văn bản” kết hợp theo thể loại được “phối” vào nhau một cách triệt để, toàn diện.

Chuyên luận “văn học Việt Nam thời Lý – Trần” là một sự nhào nặn không ngưng nghỉ, liên tục và mới mẻ. Ban đầu, thoát thai từ chuyên luận: “văn học Phật giáo thời Lý – Trần, diện mạo và đặc điểm”. Với nhiều lần “thay da đổi thịt” từ các bản in 2002 đến 2004 và lần tái bản mới nhất là 2016.

Với văn học Việt Nam thời Lý – Trần, 2018 khẳng định một sự tạo sinh hoàn toàn mới về cách nghiên cứu, hướng tiếp cận, tài liệu được bổ sung dày dặn, dựa trên một nền tảng nghiên cứu hết sức vững chắc của tác giả. Điều đó, càng chứng tỏ Nguyễn Công Lý đã chọn lựa hướng đi riêng bằng niềm đam mê của mình với văn học Phật giáo một cách chuyên biệt.

Điều đặc biệt, ở cuốn sách: “Văn học Việt Nam thời Lý – Trần”, nhà nghiên cứu đã phát hiện và đưa ra những giá trị, có thể xem là phương pháp mới với nhiều “nhãn tự” cho những người tìm hiểu, tra cứu.

Trong cuốn sách, tác giả đã trình bày cặn kẽ từ bối cảnh văn học qua diện mạo chung và điểm nhấn là phần khái quát đặc điểm. Nguyễn Công Lý đã đưa ra những triết lý sâu sắc mang đậm hơi thở của đời sống: “Con người còn ham muốn, còn khát vọng thì tôn giáo còn tồn tại và phát triển, cho nên tôn giáo không thể nào và cũng không bao giờ tự triệt tiêu trên cõi đời này.”

Với phần đặc điểm của văn học Lý – Trần, nhà giáo Nguyễn Công Lý đã trình bày từ khái quát đi đến cụ thể, và phần đặc biệt nhất trong chuyên mục: Quan hệ tôn giáo và văn học Việt Nam đã có những bước phát hiện độc đáo về: Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, tư tưởng Lão – Trang, Thiên chúa giáo trong mối quan hệ với văn học Việt Nam.

Ông viết: “Nho giáo đối với văn học nghệ thuật thì có thể thấy sự ảnh hưởng này đối với văn học Đông Á nói chung, văn học Việt Nam nói riêng là ảnh hưởng sâu rộng và nhiều mặt dù sự ảnh hưởng đó chưa phải toàn diện, bởi bên cạnh học thuyết nho giáo còn có tư tưởng Thiền Phật và tư tưởng Lão – Trang, cùng tư tưởng và tín ngưỡng của nhân dân bản địa.”

Nét độc đáo, đầy dụng công của tác giả thực hiện trong cuốn sách là những bản thống kê về thể loại văn học hết sức quý giá. Dựa trên hàng ngàn trang sưu tầm từ tài liệu quý, sách cổ, kinh kệ và đặc biệt là “thơ văn Lý – Trần” là một bộ sách hết sức giá trị đã được Nguyễn Công Lý dày công tra cứu, từng phần, từng mục hết sức chi tiết và công phu.

Mặt khác với những kiến văn sâu rộng về Phật giáo, vốn chữ Hán uyên thâm nên những bản dịch tiếng Hán, một phần được chọn lọc và tìm kiếm tương đối kỹ, chuẩn xác và có giá trị, phần còn lại là do chính tác giả Nguyễn Công Lý dịch lại nhằm tạo sự tham chiếu cần thiết dành cho những nhà nghiên cứu khác.

Có thể nói, “Văn học Việt Nam thời Lý – Trần” mang một “thanh âm” tuy không  quá mới mẻ nhưng lại chứa đựng nhiều giá trị về sự dày công, niềm đam mê và cả tài năng đưa văn học Phật giáo đến với những “nhận thức mới”.

Nói như, Giáo sư Nguyễn Đình Chú: “Công trình của Nguyễn Công Lý là một đóng góp mới vượt ra khỏi tình trạng nhận thức văn học Phật giáo chỉ đơn thuần trên phương diện nội dung tư tưởng mà đó đây ta vẫn gặp…”

Duy Kỳ

*Văn học Việt Nam thời Lý – Trần, do Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và NXB Đại học Quốc gia, xuất bản 2018.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.