Nguyễn Công Kha: “Ông Vua” ngành hóa chất

0
185
Nguyễn Công Kha
Nguyễn Công Kha

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống kinh doanh ngành vải và tơ lụa của đất Hà Thành, nhưng khi di cư vào Nam, Nguyễn Công Kha cũng chỉ là một nhà buôn nhỏ, không mấy được chú ý.

Nguyễn Công Kha
Ảnh tư Liệu 

Chỉ có những Phật tử người gốc Bắc là biết nhiều đến tên tuổi của ông như một ông Phật tử nhiệt thành, một người hết lòng ủng hộ giáo hội Phật giáo, đặc biệt ông là một cộng sự viên thân cận của thượng toạ Thích Tâm Châu, viện trưởng Viện Hoá đạo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở miền Nam trước ngày giải phóng.

Từ nhỏ, Nguyễn Công Kha được gia đình cho ăn học khá chu đáo, nhưng hình như con người này không có duyên với chữ nghĩa, cũng có nghĩa không duyên cùng con người khoa bảng, hoạn lộ. Ông chỉ học dang dở bậc trung học.

Ít năm sau khi nghỉ học ngang, ông lập gia đình với một cô gái Hà Nội cũng dòng dõi buôn bán tơ lụa như ông. Đôi vợ chồng trẻ bắt đầu sự nghiệp cũng rất xuôi chèo mát mái vì được thừa kế gia sản dòng họ và cha mẹ để lại, không phải tranh đấu gì trên thương trường như những người trẻ cùng thời.

Tuy nhiên, người ta cũng phải thừa nhận rằng anh nhà buôn trẻ tuổi này cũng là người chí thú làm ăn, cũng chịu khó lặn lội bươn trải khắp nơi để thu mua nguyên liệu, tìm nguồn hàng, mở rộng hướng kinh doanh sang ngành gia công nhuộm vải cho khá nhiều nhà dệt ở Hà Nội và các vùng phụ cận.

Thành ra khi di cư vào Sài Gòn anh cũng đã có một số vốn khẩm khá để sớm ổn định cuộc sống và công việc làm ăn. Quan trọng hơn, anh đã có một số kinh nghiệm khá phong phú trong ngành kỹ nghệt dệt và nhuộm.

Để từ đó tạo đà cho anh đi sâu vào một ngành kinh doanh còn quá mới mẻ với các thương gia Việt Nam thời bay giờ: kinh doanh hoá chất.

Đầu những năm 60 của thế kỷ 20, các ngành kỹ nghệ ở miền Nam có sự phát triển tăng vọt.

Là người từng có kinh nghiệm trong việc kinh doanh thuốc nhuộm cho ngành dệt, các hoá chất thông dụng cho các ngành công nghệ phẩm và mỹ phẩm, Nguyễn Công Kha thấy ngay thời cơ đã đến với mình, ông cho thành lập công ty Đại Công, chuyên nhập khẩu và kinh doanh hoá chất.

Do có bước đi sớm hơn những người khác trong ngành, cộng với mối quan hệ quen lớn thông qua vị thượng toạ có nhiều ảnh hưởng trên chính trường lúc bấy giờ, Nguyễn Công Kha đã giành được cho công ty Đại Công nắm giữ độc quyền nhập khẩu nhiều mặt hàng hoá chất thiết yếu cho một số ngành sản xuất công nghiệp.

Đồng thời cũng phải nói đến tài ngoại giao thao lược của ông chủ Đại Công, khi ông tranh thủ được nhiều hãng sản xuất hoá chất lớn của Nhật Bản, Pháp, Đức, Thụy Sĩ… dành cho Đại Công làm đại lý độc quyền phân phối sản phẩm của họ ở miền Nam và cả Lào, Campuchia.

Tuy nhiên, nhìn bề ngoài Nguyễn Công Kha có vẻ là một thương gia có tánh tình bình dân, xuề xoà, nhiều người còn cho ông là một con người ba phải. Nhưng chính cái vẻ bề ngoài xuề xoà ấy là một bí quyết để Nguyễn Công Kha nắm rõ, hiểu rõ đối tác, đối thủ khi đưa ra một quyết định kinh doanh.

Người ta thấy ông chủ này đôi khi bỏ ra hàng giờ ngồi tán chuyện lung tung đủ loại với khách hàng mà không biết để làm gì. Nhưng thực chất qua các cuộc chuyện trò có vẻ tào lao đó, ông chủ Đại Công đã thăm dò được tình trạng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, khả năng vốn liếng, cái mạnh, cái yếu của khách hàng.

Người ta hay nói đến bà vợ của Nguyễn Công Kha như là một thế lực phía sau chi phối mọi hoạt động của công ty, còn ông chồng chỉ ngồi chơi xơi nước.

Trong thực tế hoàn toàn ngược lại. Nhiều đối thủ đã trở nên chủ quan khi thấy Nguyễn Công Kha có vẻ luộm thuộm, thậm chí kém khả năng trong việc điều hành công ty.

Hầu như phần lớn thời gian ngài tổng giám đốc dành cho việc ngồi trên chiếc xe Opel màu đen rong ruổi khắp nơi trong thành phố Sài Gòn.

Khi thì ông tới xí nghiệp sản xuất này, cơ sở kinh doanh kia của các khách hàng. Lúc lại thấy ông có mặt tại các nha, sở, văn phòng các bộ Công Kỹ nghệ hay Tài chánh… cứ như là một tay ham vui, ham chơi.

Nhưng thực chất công việc đi đó đã cho ông chủ của Đại Công nắm được cụ thể tình hình sản xuất ở các xí nghiệp, các công ty có làm ăn với ông cũng như các chủ trương điều hành vĩ mô từ phía Nhà nước.

Từ đó, ông theo dõi nhu cầu của họ, nghiên cứu thị trường một cách chắc chắn, đâu là lúc ông sẽ đưa ra quyết định đầu cơ tích trữ, hay dốc kho bán hết một mặt hàng hoá chất nào đó.

Ông tạo ra nhu cầu, rồi làm cho khan hiếm giả tạo một mặt hàng nào đó và… hốt bạc. Vì nhu cầu sản xuất nên các xí nghiệp, các cơ sở sản xuất đành phải cắn răng mà mua với giá cắt cổ hoá chất của Đại Công.

Không mua thì không có nguyên liệu sản xuất. Để lâu, chờ đợi thêm thời gian thì sản phẩm có thể bị ảnh hưởng xấu đến chất lượng, hay vuột khỏi thời điểm thuận lợi để có thể bán được nhiều nhất các sản phẩm ấy.

Nhưng chấp nhận mua với giá cắt cổ của Đại Công thì cũng coi như nai lưng ra làm để dâng cho Đại Công phần thặng dư giá trị, vì sản phẩm cũng đã đụng tới “giá trần”, không thể nào nâng giá bán lên được nữa.

Một khi Đại Công đã không có một loại hoá chất nào đó thì cũng không còn một nơi nào có, hoặc ngược lại ai ai cũng có với giá rẻ mạt.

Chính vì thế mà có nhiều khách hàng đã ghét bỏ, chửi bới, thậm chí nguyền rủa Đại Công nhưng rồi cuối cùng cũng hạ mình quay lại với Đại Công, nếu không muốn để cho xí nghiệp của mình phá sản.

Và ông chủ của Đại Công lại đối xử với họ như là chưa từng có chuyện quay lưng, chuyện chửi bới, nguyền rủa.

Một khách hàng của Đại Công có lần nhận xét về Nguyễn Công Kha : “Tay này rất khó chơi, cái vẻ bề ngoài xuề xoà bình dân, cái tính ba phải của ông ta chỉ là vỏ bọc lừa người nhẹ dạ.

Thực chất lúc nào ông ta cũng biết kẻ đối diện muốn gì và cũng biết rất rõ ông ta cần gì và bằng cách nào thì đạt được.

Thế nhưng, người đối diện với ông ta lại không biết được điều đó. Mà khi biết được, thì đã hoá ra kẻ lệ thuộc ông ta rồi.

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.