Con người đó chính là Levis Strauss, tên tuổi ông ngày nay cả thế giới đều biết. Đây là một tinh thần khởi nghiệp đáng học hỏi.
Năm 1850, Levis Strauss một chàng trai hai mươi tuổi nghèo khó người Đức đã trôi theo dòng người đổ xô về miền Tây nước Mỹ trong cơn sốt làm sôi sục cả nước Mỹ và thế giới, cơn sốt tìm vàng.
Khi đến được San Francisco, đứng trước bãi khai thác vàng, chứng kiến cảnh hỗn độn chưa từng có, một rừng người đông như kiến đang ra sức chen lấn, tranh giành đào bới, chàng thanh niên Levis bỗng nghĩ, chưa chắc gì những khối vàng may mắn đến được phần mình. Ở bãi đào vàng, gần như mọi nhu cầu sống dù tối thiểu nhất của con người đều thiếu thốn. Levis lại nghĩ, tại sao ta lại không thể kiếm tiền của đám người này từ những nhu cầu của họ? Thế là anh chàng người Đức đã không nhập vào những người đào vàng.
Levis Strauss quay sang buôn bán những món hàng thiết yếu cho những người đào vàng. Ban đầu là những món hàng nhỏ như kim chỉ, đá lửa, cuốc xẻng, túi đựng quặng rồi đến nón mũ, quần áo lều bạt. Chẳng mấy chốc lời biến thành vốn, công việc kinh doanh của Levis phát đạt từng ngày.
Một hôm có một người thợ vào quầy hàng của Levis, anh ta mỏi mệt rã rời, quần áo rách rưới. Sau một lúc nghỉ ngơi trò chuyện, anh ta than phiền rằng ở bãi đào vàng này, không có thứ quần áo nào có thể chịu đựng quá một tuần lễ mà không bị rách. Rồi bỗng nhiên anh ta nói:
Những tấm vải lều bạt của ông rất tốt, vừa dày vừa chắc chắn. Nhưng tại sao Levis Strauss lại không lấy những tấm vải bạt ấy để may quần bán cho những người thợ? Tôi nghĩ thứ quần ấy sẽ thích hợp cho công việc đào vàng ở đây mà không có thứ quần nào sánh được.
Quả là một sáng kiến tuyệt vời, một cơ hội có một không hai. Levis Strauss bắt tay vào tổ chức sản xuất ngay một loạt quần đùi và bán vèo hết trong chốt lát. Những người thợ phải chen nhau để được mua những chiếc quần đùi của Levis. Levis lập ra ngay một xưởng sản xuất và chúng phải hoạt động liên tục không ngừng nghỉ.
Và từ đó chiếc quần của Levis không ngừng được cải tiến. Thấy thợ mỏ bị muỗi đốt, Levis đổi quần đùi sang quần dài; thấy cần nhiều túi để đựng mẫu quặng, dụng cụ, nhưng túi hay bị lủng, Levis may túi vào sau quần và dùng đinh kim loại đển tán cho chắc; lại may thêm mấy túi nữa vào những vị trí thích hợp trên ống quần.
Từ những quan sát thực tế, Levis đã chọn lọc, tổng kết liên tục đưa ra những cải tiến cho nó ngày một chắc chắn hơn, tiện lợi hơn và cũng đẹp hơn, tạo ra một vẻ đẹp mạnh mẽ và phong trần cho người thợ.
Hàng sản xuất ra cung không khi nào đủ cầu khiến Levis phải liên tục mở rộng qui mô xưởng sản xuất. Tuy vậy, Levis vẫn không ngừng đầu tư để nghiên cứu cải tiến cho sản phẩm ngày một hoàn hảo hơn.
Bởi vì, nhận thấy đây là lãnh vực làm ăn nhanh chóng thu lợi, nên bắt đầu xuất hiện những đối thủ cạnh tranh. Trong cuộc cạnh tranh này Levis đã xác định, sự hoàn hảo và hấp dẫn của sản phẩm là yếu tố có tính quyết định cho thắng lợi.
Không lâu sau đó, Levis nhận thấy loại vải kaki của Pháp không hề thua kém vải bạt về khả năng chịu mài mòn, nhưng lại mềm mại hơn nhiều. Thế là Levis cho sản xuất thêm loại quần mới bằng vải kaki với thiết kế có phần cải tiến làm cho nó bó sát vào thân người hơn, do ưu thế mềm mại của chất liệu mới.
Sự thay đổi này đã đánh đúng vào thị hiếu của khách hàng, không chỉ trong giới thợ mỏ mà nó nhanh chóng lan ra mọi tầng lớp khác trong xã hội. Từ đó, chiếc quần jean với kiểu dáng độc đáo đã gây được tiếng vang trên thị trường may mặc.
Thế nhưng ngay từ đầu, quần jean đã được quan niệm chỉ giành cho giới bình dân, cho nên dù rất được thợ thuyền và thanh niên ưa chuộng, song nó vẫn bị giới thượng lưu bài xích, khiến nó khó có thể trở thành một mặt hàng cao cấp, khó đi vào những nơi chốn có đời sống văn hóa cao.
Mà chính ở đó mới là môi trường bền vững lâu dài. Levis lại phải dốc hết tâm lực vào lĩnh vực tuyên truyền quảng cáo. Ông sử dụng triệt để các phương tiện thông tin đại chúng để truyên truyền cho tính tiện ích, tính thẩm mỹ và tính hiện đại của chiếc quần jean.
Ông quyết tâm biến nó thành vật tượng trưng cho sự trẻ trung, nét văn hóa và tính thời đại. Trong chiến dịch quảng cáo này, Levis đã làm được một việc cực kỳ ngoạn mục, đó là đưa chiếc quần jean gắn liền với hình ảnh Hollywood, nhất là những chàng cao bồi kiêu bạt của miền viễn Tây. Từ đó, chiếc quần jean mang nhãn hiệu Levis đã hiên ngang chiếm lĩnh một vị trí vững vàng, không những trên thị trường nước Mỹ mà còn tung hoành khắp toàn cầu.
Ngày nay, Công ty Levis đã trở thành công ty siêu quốc gia và đã truyền đến lớp con cháu đời thứ tư, với gần 40 nhà máy sản xuất và hệ thống tiêu thụ khổng lồ trên khắp toàn cầu. Ngày nay, sản phẩm của công ty Levis đã có đến hàng trăm mặt hàng, nhưng mặt hàng chủ lực vẫn là chiếc quần Jean với số lượng sản xuất đến hơn 100 triệu chiếc mỗi năm.