Lâm Huê Hồ: Tỷ phú ngân hàng “không bảng hiệu”

0
297
Lâm Huê Hồ và ông Trùm giới tín dụng Sài Gòn
Lâm Huê Hồ và ông Trùm giới tín dụng Sài Gòn

 

Lâm Huê Hồ được  giới thương nhân người Hoa ở  khắp Sài Gòn – Chợ Lớn trước 1975 xem như là một “ông trùm” trong giới tín dụng

Có lẽ không ai không một lần ghé qua để tìm kiếm bổ sung nguồn vốn tức thời cho công việc kinh doanh của mình tại “ngân hàng tín dụng” này, cho dù đó là một cơ sở kinh doanh khiêm tốn hay những đại gia cỡ bự như Lý Long Thân và cả đến ông “vua không ngai” Trần Thành.

Lâm Huê Hồ và ông Trùm giới tín dụng Sài Gòn
Lâm Huê Hồ và ông Trùm giới tín dụng Sài Gòn

Thế nhưng, cái “ngân hàng” ấy không hề có tên trong hệ thống chính thức những ngân hàng có đăng ký kinh doanh.

Và dĩ nhiên nó cũng không hề có bảng hiệu. Tuy nhiên, qui mô của nó cũng không phải là vừa, nhất là khả năng cung cấp tiền mặt của nó trong một thời điểm nhất định nào đó, được coi là vô tận. Người sáng lập và trực tiếp điều hành hệ thống tín dụng này là nhà tỷ phú Lâm Huê Hồ.

Thoạt tiên, Lâm Huê Hồ khởi nghiệp kinh doanh theo cách mà đa số người Hoa vẫn thường bắt đầu kiếm sống khi đến định cư ở vùng đất này, đó là mở một tiệm tạp hóa.

Không bao lâu thì công việc kinh doanh tiệm tạp hóa của Lâm Huê Hồ khá dần lên nhờ tính cần kiệm, giữ chữ tín trong làm ăn, đặc biệt là với tính tình cởi mỡ và tài quảng giao.

Từ một cửa hàng bán lẻ, dần dần cơ sở kinh doanh của Lâm Huê Hồ trở thành một đại lý bán sỉ lại cho các nhà buôn nhỏ khác. Do có tài giao tiếp, ông giành được quyền phân phối nhiều mặt hàng độc quyền cho một số nhà sản xuất và nhập khẩu.

Nhờ đó, công việc làm ăn của ông phát đạt rất nhanh, trở thành một người có nguồn vốn lớn trong giới doanh thương Chợ Lớn.

Họ Lâm tiếp tục khuếch trương công cuộc kinh doanh của mình bằng cách đầu tư góp vốn vào các cơ xưởng, nhà máy, các công ty xuất nhập khẩu, mà ở các cơ sở đó, với khả năng giao tiếp rộng rãi và tài phán đoán của mình, ông tin rằng chúng sẽ phát triển nhanh và đem lại nhiều lợi nhuận.

Thời kỳ đó, công việc kinh doanh bằng cách đầu tư như vậy cũng là một việc còn mới mẻ. Đặc biệt, với sự nhạy cảm thời cuộc, Lâm Huê Hồ đã mạnh dạn đầu tư vào ngành kinh doanh phế liệu sắt thép, một mặt ông thấy được nhu cầu phát triển cấp thời của các đô thị miền Nam, cần một lượng sắt thép xây dựng khổng lồ, trong khi các nhà máy luôn thiếu kém nguyên liệu, mặt khác ông cũng nhìn thấy nguồn sắt thép phế liệu từ khí tài chiến tranh là vô cùng to lớn. Và quả nhiên, chỉ qua vài cuộc đấu thầu phế liệu chiến tranh, Lâm Huê Hồ đã phất lên thành một nhà tỷ phú tên tuổi trong giới thương gia Sài Gòn.

Một đặc điểm trong giới kinh doanh vừa và nhỏ của người Hoa ở miền Nam thời ấy là rất ít khi họ nhờ vào sự trợ vốn của ngân hàng, mặt dù hệ thống ngân hàng thương mại ngày ấy hầu hết là ngân hàng tư nhân.

Cũng chính vì vậy mà trong giới tài phiệt ngân hàng rất hiếm có người Hoa, chỉ có duy nhất một người là Đào Mậu, bang trưởng Triều Châu khu vực Sài Gòn (Trần Thành là ban trưởng vùng Chợ Lớn), chủ nhân của Trung Quốc Ngân hàng.

Hầu hết những người Hoa khi cần vốn kinh doanh, họ dựa vào sự trợ vốn của những người cùng dòng họ hay bang hội. Hoạt động này mang tính tương trợ là chủ yếu.

Sau khi thương vụ kinh doanh kết thúc, tùy theo mức độ lời lãi mà người mượn vốn, cùng với việc trả vốn còn “đền ơn” cho nơi mình nhờ vốn bằng tiệc tùng hay phẩm vật nào đó. Việc này mang ý nghĩa tượng trưng là chính, không bắt buộc.

Nhưng khi việc mượn vốn qua lại trở thành thường xuyên, người ta qui ước một mức “đền ơn” bằng lãi suất, thường là thấp hơn lãi suất ở các ngân hàng.

Là người sẵn vốn, lại có nhiều mối giao thiệp rộng, Lâm Huê Hồ thường xuyên tham gia vào công việc trợ vốn này.

Dần dần ông thấy rằng việc thu lợi từ công việc này cũng không phải nhỏ, và lại trong việc quản lý cũng đỡ nhọc nhằn và ít rủi ro hơn công cuộc đầu tư hùn hạp với các cơ sở làm ăn khác. Thế là dần dần ông thu hẹp lại việc  đầu tư để khuyếch trương mạng lưới cho vay của mình.

Tuy nhiên, dù là tỷ phú, không phải lúc nào họ Lâm cũng có đủ lượng tiền mặt để đáp ứng được nhu cầu cần trợ vốn của những người đến cần vai hỏi.

Do có mối giao thiệp rộng, ông biết rõ khả năng vốn nhàn rỗi nằm rải rác trong những nhà kinh doanh khác và ông đã nghĩ đến việc huy động chúng vào hệ thống tín dụng của mình.

Từ đó, tổ chức tín dụng của Lâm Huê Hồ ra đời với một hệ thống tổ chức cực kỳ đơn giản và hiệu quả. Hầu như tất cả những người Hoa, khi cần có một số vốn cho một chuyến hàng, một thương vụ, một công cuộc đầu tư, kể cả những nhà tư bản cỡ bự, người ta nghĩ ngay tới Lâm Huê Hồ.

Trước hết phải nói đến ưu điểm là thủ tục cực kỳ đơn giản khi vay tiền của nhà họ Lâm. Với những thân chủ quen biết, khi vay không cần làm bất cứ một văn tự hay thủ tục nào cả. Khách chỉ cần ký vào một quyển sổ xác nhận có vay và nhận đủ số tiền là bao nhiêu, thời hạn vay bao lâu, thế là xong.

Lãi suất cũng do một mình Lâm quyết định, khi “mềm” khi “cứng” là do mức độ tình cảm của ông với người vay hay tình thế cụ thể, thương vụ cụ thể của người đi vay.

Tình thế càng khó khăn, thương vụ nhiều rủi ro, mức lãi suất thường theo chiều hướng càng thấp.

Đối với khách lạ lần đầu đến vay, chỉ cần một lời bảo đảm của một ông chủ nào đó có giao hảo với Lâm, hoặc là một lời giới thiệu nào đó của một người bạn ông ta là người đó có thể vay tiền của Lâm Huê Hồ một cách dễ dàng.

Trong tủ sắt của Lâm Huê Hồ lúc nào cũng có một lượng tiền mặt lớn, khi các thân chủ của ông cần là có ngay.

Có khi chỉ là một cú điện thoại trực tiếp của một đại xì thẩu, hoặc những tấm danh thiếp của các công ty xí nghiệp mà chủ nhân của nó cho thư ký hay người thân cận mang đến. Khi thư ký, tài phú của ông báo tin hay trao danh thiếp ấy đến, chỉ một cái gật đầu của ông là mọi việc được mau chóng giải quyết.

Khách hàng chỉ còn nhận tiền, kiểm tra đủ số, ký tên nhận đủ là thoải mái ra về. Thư ký, tài phú của ông chỉ cần ghi ngày vay tiền, tên công ty, hoặc tên chủ nhân, ai mang giấy đến hoặc người nào gọi điện thoại đến, lúc mấy giờ, mức lãi suất.

Sau này khi khách hàng đến trả nợ, bộ phận thư ký lại đối chiếu sổ sách, đếm đủ tiền vốn và lãi, ký nhận, báo cáo cho Lâm hay, thế là một cuộc vay kết thúc.

Gặp những ngày mà số tiền khách hàng đến vay quá lớn, vượt khỏi khả năng tiền mặt mà ông hiện có, Lâm chỉ cần nhấc điện thoại liên hệ với nơi cần thiết. Trong số điện thoại của ông có một lô các con số điện thoại của các thân chủ sẳn sàng cho ông vay tiền tùy khả năng hiện có của từng người.

Lúc cần ông chỉ việc điện thoại hoặc cho tài phú đến nơi với tấm danh thiếp của ông và số tiền cần thiết được ghi vào đó, thế là tài phú của ông chỉ còn việc cầm tiền về.

Trong những trường hợp phải huy động thêm tiền nhà rỗi này, ông sẽ được hưởng lãi ít hơn. Thí dụ ông vay của của thân chủ với lãi suất 2%, số tiền lãi mà người vay lại phải chịu là 3%. Do quá trình luân chuyển trong hệ thống cho vay của ông là rất lớn, nên những người góp vốn nhàn rỗi cho ông đều được ông thanh toán đúng hạn, cho dù khách vay có trễ nãi đi nữa.

Ngày nay, trong cuộc sống, hệ thống tín dụng tiền tệ lưu thông ngoài ngân hàng cũng không phải là nhỏ. Kể lại câu chuyện trên đây về nhà tỷ phú Lâm Huê Hồ, chúng tôi chỉ mong là chúng ta sẽ tham khảo được qua đây một điều gì đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.