Film Book: “Chơi” với phim để làm “nhân vật chính”

0
217

Trải qua 240 trang Film Book: Khi chúng ta là nhân vật chính, Bùi Dũng thể nghiệm cách viết một cuốn sách điện ảnh bằng “ngôn ngữ hình”.

Cuốn Film Book của Bùi Dũng là tập hợp một số điểm “lạ” so với nhiều cuốn sách về điện ảnh đã từng xuất bản trước đó. Đây là cuốn sách không thuần tuý để đọc mà còn được ứng dụng các hình thức tương tác với người đọc qua những hình họa để tô màu và tích hợp công nghệ thực tế tăng cường (AR). Theo đó, độc giả có thể tải về điện thoại ứng dụng Film Book đi kèm để… xem phim ngay trên sách! Theo đơn vị xuất bản và tác giả Bùi Dũng, việc làm sách kèm app riêng này như món quà thời 4.0, giúp tăng trải nghiệm cho người đọc và không làm tăng giá sách.

Tên sách Film Book: Khi chúng ta là nhân vật chính đúng với nghĩa đen của nó. Mỗi độc giả sẽ sở hữu một phiên bản sách mang dấu ấn cá nhân của mình bằng cách tô màu cho 22 hình họa gắn với các bộ phim hay. Như thế, tùy thuộc vào trí tưởng tượng của mình về nhân vật, khung cảnh trong các bộ phim được giới thiệu mà mỗi người đọc tạo nên những cuốn sách khác nhau.

Điểm “lạ” khác của Film Book là cuốn sách gồm 4 phần chính được xây dựng giống như quá trình làm phim, từ khâu sản xuất (production) đến quay phim (camera) và đạo diễn (director).  Thậm chí cuốn sách có cả phần “teaser” (lời ngỏ của tác giả), “trailer” (bình luận của người trong và ngoài nghề) hay phần mở rộng không có trong “menu” (mục lục).

Cuốn Film Book (Bloom Books và NXB Thế giới ấn hành) gợi đến câu thơ của Rimbaud: “Tôi là một kẻ khác”. Ai cũng có một “kẻ khác” đang tồn tại song song với mình. Trong sách, Bùi Dũng làm đúng như câu nhận xét của đạo diễn Việt Tú là “chạm đến những vấn đề nghiêm trọng bằng bàn tay nhẹ nhàng” bằng cách mang đến lối viết vừa tỉnh táo, vừa tình cảm để bóc tách những điều thú vị ẩn giấu trong những thước phim. Ví dụ, anh viết về The Reader (Người đọc): “Thế giới này sẽ đơn giản biết bao khi kẻ ác luôn hiện hình là một con quỷ dữ”, hay về vẻ đẹp của trí tưởng tượng trong The wind rises (Cơn gió nổi): “Thế giới này là một giấc mơ… Giấc mơ là thứ đưa ta đến bất cứ nơi đâu…”. Có khi, đó là lời bỏ ngỏ nhẹ nhàng từ phim Xuân, hạ, thu, đông, rồi lại… xuân: “Cũng có thể có mùa và chiều thứ năm, thứ sáu, thứ bảy…, đó hẳn là khi tôi còn khơi mở con người và thế giới đa chiều, đa diện quanh mình”.

Film Book: Khi chúng ta là nhân vật chính là một ấn phẩm được “chiết” ra từ câu nói của Kafka: “Khi bạn tự do và đó là lý do tại sao bạn lạc lõng”. Tác giả Bùi Dũng cho thấy sự cô đơn trong sáng tạo là cần thiết, nhưng với điện ảnh thì định nghĩa đó không phải lúc nào cũng đúng. Bởi, một bộ phim thường có đạo diễn, nhân vật, quay phim, biên kịch đồng hành với người xem và đằng sau đó là những gặp gỡ, chia ly, nước mắt, nụ cười và cả sự nuối tiếc phía sau tác phẩm.

Cuốn sách là tập hợp nhiều bài viết, ở nhiều thời điểm trong đời viết của một cây bút chuyên làm công việc điểm phim. Tác giả cho thấy anh muốn lao vào tất cả thể loại phim từ kinh điển,

Cuốn sách là tập hợp nhiều bài viết, ở nhiều thời điểm trong đời viết của một cây bút chuyên làm công việc điểm phim. Tác giả cho thấy anh muốn lao vào tất cả thể loại phim từ kinh điển, lãng mạn, tâm lý hạng nặng và cả phim thị trường. Ở đâu, Bùi Dũng cũng chọn cho mình một điểm rơi, có khi an toàn, có lúc là “hố thẳm tư tưởng” và không quên “để dành” cho người khác khám phá.

Là cuốn sách thứ ba của tác giả, Film Book được đầu tư công phu và kỹ càng từ trang bìa (gợi đến hình ảnh chiếc clapperboard trong điện ảnh) đến việc chú trọng yếu tố tương tác với bạn đọc qua một cuốn sách phim. Với phim và bằng phim, tác giả cùng độc giả đi qua cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông và có rất nhiều câu để lấy làm trích dẫn “bâng quơ” cho mình hay với ai đó, ví như: “Nếu thật sự chú ý, bạn sẽ thấy rằng tình yêu thật sự luôn ở quanh mình” (Love Actually).

Điều nuối tiếc ở Film Book của Bùi Dũng là hàm lượng chuyên môn của sách chưa đậm đặc để độc giả có thể hiểu sâu hơn về điện ảnh, ví dụ như kỹ thuật dựng phim độc thoại ở những bộ phim khó như Gravity, đặc thù cách kể chuyện của phim Iran, hay hiệu quả của kịch bản chuyển thể ở phim Người đọc…

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.